Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành thì phần mềm là một đối tượng nhận được sự bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Vì vậy mà quyền tác giả đối với phần mềm máy tính cũng được bảo hộ đầy đủ về các mặt nhân thân và tài sản. Mục đích chính của việc bảo vệ từ pháp luật đối với các sản phẩm trí tuệ chính là khuyến khích các chủ thể năng động tham gia sáng tạo để đưa ra những sản phẩm hữu ích. Đồng thời còn góp phần hạn chế và tạo cơ sở xử lý những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm đang ngày càng tinh vi.

Quyền tác giả đối với phần mềm máy tính
Chương trình máy tính được định nghĩa là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Đối tượng này được xếp vào nhóm được bảo hộ bằng quyền tác giả.
Về nội dung, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Muốn được bảo hộ thì loại tác phẩm này cần phải bảo đảm được tính sáng tạo và thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định.
Các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm
Vì đã được bảo hộ bằng quyền tác giả nên các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm cũng đồng nhất với các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Những hành vi này theo quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 bao gồm:
– Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
– Mạo danh tác giả.
– Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
– Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
– Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

– Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
– Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
– Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
– Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
– Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
– Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
– Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
– Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Để biết cách bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm cũng như thủ tục đăng ký bản quyền, bạn có thể liên hệ về Phan Law Vietnam để được thông tin và hỗ trợ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn